KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Chuyên gia tư vấn của NXB Elsevier chia sẻ bí quyết xuất bản bài báo quốc tế

Thời gian:

Địa điểm:

Chú ý cách sử dụng thì, dùng câu ngắn, viết tóm tắt và nhan đề bài báo sau cùng, chú trọng khả năng ứng dụng của dữ liệu nghiên cứu trong tương lai,… là những bí quyết mà ông Nicholas Pak – Chuyên gia tư vấn của NXB Elsevier, đã chia sẻ với các nhà khoa học, nghiên cứu sinh, học viên cao học của ĐHQG-HCM.

Ông Nicholas Pak – Chuyên gia tư vấn của NXB Elsevier, tiết lộ nhiều bí quyết để công bố bài báo khoa học quốc tế thành công.

Đây là phần trình bày của chuyên gia Nicholas Pak tại Hội thảo “Kỹ năng khai thác nguồn tin KHCN và viết bài báo khoa học quốc tế” do ĐHQG-HCM tổ chức tại Nhà Điều hành ĐHQG-HCM vào sáng 27/4.

Ông Park cho biết, mỗi thành phần trong bài báo khoa học sẽ có cách sử dụng thì tương ứng, giúp cho văn phong học thuật đạt chuẩn mực.

Theo đó, đối với phần tóm tắt (abstract/summary), phương pháp và kết quả nghiên cứu, tức đề cập những việc tác giả đã hoàn thành, chúng ta nên sử dụng thì quá khứ để diễn đạt. Trong khi đó, phần dẫn nhập bài báo, các nhà nghiên cứu nên dùng thì hiện tại đơn sẽ ổn thỏa hơn. Phần thảo luận, các trao đổi của bài nghiên cứu khoa học, chúng ta có thể dùng cả thì quá khứ và hiện tại để diễn đạt.

Chuyên gia tư vấn của NXB Elsevier lưu ý, các tạp chí có chỉ số ảnh hưởng cao không hy vọng nhận được những bài báo có câu văn quá dài. Một số nghiên cứu đã cho thấy người Mỹ hoặc Anh khi phải đọc 20 từ tiếng Anh trong một câu, họ sẽ bắt đầu thấy khó hiểu.

“Lời khuyên của chúng tôi là các bạn nên viết ngắn gọn, trung bình một câu văn sẽ khoảng 12-17 từ. Ngoài ra, chúng ta nên tránh việc kết hợp sử dụng các thì trong một câu” - ông Park nói.

Về phương pháp viết một bài báo khoa học, chuyên gia này cho rằng thông thường, các nhà nghiên cứu sẽ viết tựa đề bài báo, tóm tắt, đưa ra từ khóa sau đó mới đi vào nội dung chi tiết của bài. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nên làm ngược lại, tức đi từ dưới lên trên.

Ông phân tích: “Đầu tiên, chúng ta cần các dữ liệu và lựa chọn phương pháp phù hợp để viết bài. Sau đó tìm ra các kết quả và thảo luận với nhau. Phần dẫn nhập sẽ là sự tổng hợp của những thảo luận về kết quả đó. Sau cùng chúng ta mới đặt tựa cho bài báo, tóm tắt và cung cấp các từ khóa chính cho bài báo của mình. Trong đó, quan trọng nhất là phần tóm tắt. Phần này phải tổng hợp được tất cả vấn đề, phương pháp và đưa ra kết quả của nghiên cứu. Vì các biên tập viên cần phải nắm được những thông tin cốt lõi nhất của bài báo thông qua tóm tắt. Do đó, nó nên được viết sau khi đã hoàn thành bài”.

Ông Nicholas Pak cũng khuyên các nhà nghiên cứu nên tránh sử dụng các công bố trước đó của mình để trích dẫn trong bài báo mới. Vì khi sử dụng quá nhiều trích dẫn từ các nghiên cứu của bản thân sẽ làm bài báo khoa học mới của chúng ta không có tính đột phá.

“Nếu chúng ta muốn bài báo của mình được chấp nhận đăng môt cách dễ dàng, nhanh chóng, chúng ta cần phải nghiên cứu xem các dữ liệu của mình sẽ được phát triển và ứng dụng như thế nào trong 2-3 năm tới. Khi đó, biên tập viên sẽ dễ dàng chấp nhận bài báo của chúng ta hơn” - Chuyên gia tư vấn của NXB Elsevier nhận định.

Ông Park cho biết thêm, một vấn đề khác mà các nhà nghiên cứu thường gặp phải là tìm tạp chí phù hợp với bài báo khoa học. Ông gợi ý, trước nhất, chúng ta phải tìm hiểu mục tiêu của tạp chí mà mình dự định công bố là gì. Những ý tưởng nghiên cứu nào sẽ được tổng biên tập, biên tập viên của tạp chí đó quan tâm.

“Có thể bản thảo của chúng ta không sai, nhưng những ý tưởng, cách tiếp cận và niềm tin khoa học của tổng biên tập hay biên tập viên của tạp chí đó không tương thích với bài báo của chúng ta nên bài viết của chúng ta không được chấp nhận” - ông Nicholas Pak chia sẻ.

Tin, ảnh: PHIÊN AN


Scroll to Top