KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Đổi mới sáng tạo: Chiến lược cải thiện năng lực cạnh tranh Quốc gia và chiến lược xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thành phố Hồ Chí Minh

1. Định nghĩa

Đổi mới sáng tạo (innovation)

Theo Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD Organisation for Economic Co-operation and Development), đổi mới sáng tạo là việc ứng dụng một sản phẩm (hàng hóa hay dịch vụ) hay quy trình mới hay cải tiến đáng kể, một phương pháp tiếp thị hoặc phương pháp cấu trúc tổ chức mới vào thực tiễn kinh doanh, cấu trúc tổ chức hay các quan hệ đối ngoại; theo đó có 4 hình thức đổi mới sáng tạo: sản phẩm, quy trình, phương pháp tiếp thị hay phương pháp cấu trúc tổ chức.

Theo Luật Khoa học và công nghệ số 29/2013/QH13, sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 28/2018/QH14, đổi mới sáng tạo là việc tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa.

Doanh nghiệp khởi nghiệp (đổi mới) sáng tạo (innovation driven start-up)

Theo Nghị định 94/2020/NĐ-CP về quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật để thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh.

Định nghĩa về doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong Nghị định 94/2020/NĐ-CP về quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia.

Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo (innovation ecosystem)

Theo Granstranda và Holgersson, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo là một quần thể bao gồm các tác nhân (chính phủ, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân), hoạt động (hợp tác, nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo), tài sản/phương tiện (tri thức/công nghệ, nguồn vốn/nhân lực, sản phẩm/dịch vụ, nền tảng), cơ chế, chính sách và các tương tác giữa các tác nhân dẫn đến hình thành kết quả đổi mới sáng tạo từ một hay nhiều các tác nhân trong quần thể. Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo có thể có các cấp độ quy mô khác nhau, từ cấp độ tập đoàn, ngành/lĩnh vực cho đến cấp độ vùng (regional) hay cấp độ quốc gia (national).

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (startup innovation ecosystem)

Theo Metcalfe, Ramlogan và Trung tâm nghiên cứu JRC (Joint Research Centre), một tổ chức khoa học và tri thức thuộc Ủy ban Châu Âu, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một hệ thống có cấu trúc cấp độ vùng hay quốc gia, trong đó, các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ-và-vừa, tập đoàn, cơ sở giáo dục đại học và tổ chức nhà nước tương tác với nhau trên nền tảng tổng hòa về công nghệ, xã hội, luật pháp và thương mại để tạo ra tri thức, phát triển các công nghệ mới và các cơ hội kinh doanh mới. Sự tương tác này hướng đến phát triển và bảo vệ các công nghệ mới, đầu tư và hình thành các dự án, doanh nghiệp mới theo quy định pháp luật. Như vậy, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo về cơ bản chỉ khác hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ở chỗ tập trung hỗ trợ và tạo điều kiện phát triển kinh doanh cho thành phần trọng tâm là doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII – Global Innovation Index)

Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu là một chỉ số xếp hạng về hiệu quả hoạt động của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo các nền kinh tế trên phạm vi toàn cầu mỗi năm. Chỉ số này bao gồm 80 chỉ số phụ, được xếp theo 02 nhóm. Nhóm chỉ số phụ đầu vào đại diện cho 5 thành tố của nền kinh tế quốc dân, làm nền tảng và tiền đề cho các hoạt động đổi mới sáng tạo, bao gồm: Tổ chức (Institutions), Nguồn nhân lực và nghiên cứu (Human capital and research), Cơ sở hạ tầng (Infrastructure), Độ chín của thị trường (Market sophistication), Mức độ hoàn thiện kinh doanh (Business sophistication). Nhóm chỉ số phụ đầu ra biểu thị cho kết quả của quá trình đổi mới sáng tạo, gồm hai chỉ số cơ bản: Thành quả tri thức và công nghệ (Knowledge and Technology outputs), Thành quả sáng tạo (Creative outputs).

Chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 (GCI 4.0 – Global Competitiveness Index 4.0)

Theo Báo cáo tìm hiểu về chỉ số năng lực cạnh tranh của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 là một chỉ số đánh giá các yếu tố quyết định mức độ năng suất của một quốc gia – động lực quan trọng nhất để cải thiện mức sống trong dài hạn. Chỉ số này được xác định dựa trên một tập hợp các nhân tố ảnh hưởng tới năng suất trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đo lường theo 98 chỉ số cho 12 trụ cột của năng suất, chia làm 04 nhóm: môi trường kinh doanh, nguồn nhân lực, thị trường và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Chỉ số này được Diễn đàn kinh tế thế giới công bố chính thức trong các báo cáo liên quan từ năm 2018.

2. Tổng quan về chiến lược cải thiện năng lực cạnh tranh Quốc gia và chiến lược xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thành phố Hồ Chí Minh

Theo Porter (1990), năng lực cạnh tranh quốc gia có 04 cấp độ dựa trên nền tảng: 

  1. Nguồn lực sản xuất sẵn có;
  2. Nguồn vốn đầu tư;
  3. Năng lực đổi mới sáng tạo;
  4. Thịnh vượng xã hội. 

Ở cấp độ thứ nhất, các doanh nghiệp chỉ sử dụng các nguồn tài nguyên sẵn có và nguồn nhân lực rẻ có trình độ tay nghề cơ bản để sản xuất các sản phẩm đơn giản vốn được thiết kế từ các quốc gia có trình độ kỹ thuật cao. Ở cấp độ thứ hai, năng lực cạnh tranh quốc gia dựa trên năng lực thu hút các nguồn vốn đầu tư (chủ yếu từ nước ngoài) để sản xuất hiệu quả các sản phẩm, dịch vụ tiêu chuẩn. Sau đó, năng lực cạnh tranh quốc gia mới tiến đến cấp độ thứ ba là dựa trên năng lực đổi mới sáng tạo khi doanh nghiệp có khả năng tạo ra công nghệ, phương pháp mới và sản xuất hay cung cấp các sản phẩm, dịch vụ mới mang tính cạnh tranh toàn cầu. Ở cấp độ năng lực cạnh tranh thứ tư, doanh nghiệp không còn đẩy mạnh đổi mới sáng tạo mà tập trung vào duy trì thịnh vượng xã hội tạo ra từ cấp độ trước đó.

Các khu kinh tế (economic zones) đều được các quốc gia (hay các khu vực có quy mô địa lý thấp hơn như vùng, thành phố) xác định là chiến lược để phát triển tốc độ tăng trưởng và cải tiến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Theo Tổ chức phát triển công nghiệp của Liên hiệp quốc12, khu kinh tế có 05 loại hình: 

  1. Khu công nghiệp (industrial park);
  2. Đặc khu kinh tế (special economic zone) gồm khu chế xuất (export processing zone) hay khu thương mại tự do (free trade zone);
  3. Khu công nghiệp sinh thái (eco-industrial park);
  4. Khu công nghệ cao;
  5. Khu đô thị sáng tạo.

Bảng 1 giới thiệu sự liên quan giữa 03 cấp độ đầu tiên về năng lực cạnh tranh quốc gia theo loại hình khu kinh tế chủ đạo theo Tổ chức phát triển công nghiệp của Liên hiệp quốc và Diễn đàn kinh tế thế giới. Xét nội bộ cấp độ năng lực cạnh tranh quốc gia, chúng phân biệt nhau bởi các khung ngưỡng giá trị khác nhau của các chỉ số: tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người (GDP per capita) và 03 trọng số tỷ lệ % (tổng 100%) phản ánh: 

  1. Mức độ khai thác nguồn lực sản xuất sẵn có (theo các đánh giá từ: hoạt động các tổ chức công tư, cơ sở hạ tầng, môi trường kinh tế vi mô, y tế và giáo dục trung học), 
  2. Tính hiệu quả hoạt động (trong đào tạo đại học, các thị trường: hàng hóa, nguồn nhân lực, tài chính, sự sẵn sàng công nghệ) 
  3. Năng lực đổi mới sáng tạo (theo mức độ hoàn thiện kinh doanh và các hoạt động nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo) của từng quốc gia. 

Như vậy, Diễn đàn kinh tế thế giới đã định nghĩa lại cấp độ thứ hai về năng lực cạnh tranh quốc gia theo tính hiệu quả hoạt động thay vì theo nguồn vốn đầu tư đề xuất bởi Porter.

Bảng 1. Sự liên quan giữa các cấp độ năng lực cạnh tranh quốc gia và các loại hình khu kinh tế chủ đạo

Đối với Việt Nam, năng lực cạnh tranh quốc gia giai đoạn 2017-2018 được phân loại ở cấp độ chuyển tiếp từ cấp độ 1 sang cấp độ 2 theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu giai đoạn này của Diễn đàn kinh tế thế giới. Đến năm 2019, cấp độ năng lực cạnh tranh của Việt Nam vẫn không thay đổi khi tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người năm này cũng chỉ là 2.551,1 US$ (nhỏ hơn 2.999 US$ theo Bảng 1. Nếu xét chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0, thứ hạng của Việt Nam (so với tổng số quốc gia khảo sát) qua các năm 2017, 2018 và 2019 lần lượt là 71/135, 77/140 và 67/141. Điều này cho thấy để cải thiện cấp độ năng lực cạnh tranh và chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0, sự phát triển của các khu công nghệ cao và sự hình thành các khu đô thị sáng tạo với trọng tâm là các hoạt động đổi mới sáng tạo chính là các yếu tố then chốt.

Nhận thức được tầm quan trọng của phát triển kinh tế gắn liền với nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 ngày 10/01/2022. Mục đích của Nghị quyết này hướng đến việc cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng quốc tế về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh nhằm thích ứng với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tăng sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh dịch COVID-19. Theo đó, một số mục tiêu cụ thể liên quan đến công cuộc đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 được đề ra như sau: chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 phấn đấu thuộc nhóm 50 nước đứng đầu; chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu phấn đấu thuộc nhóm 40 nước đứng đầu (chỉ số này của Việt Nam năm 2021 đạt 44/132 quốc gia tham gia xếp hạng)…

Nghị quyết số 02/NQ-CP này cũng đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm liên quan đến đổi mới sáng tạo là “phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo”; nhiệm vụ này cũng đã và đang được tập trung giải quyết cho giai đoạn 2016-2020 trong khuôn khổ đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” theo Quyết định số 844/QĐ-TTg được Chính phủ phê duyệt ngày 18/05/2016… Ngày 09/02/2021, Chính phủ cũng đã phê duyệt Quyết định số 188/QĐ-TTg về sửa đổi bổ sung một số điều của Quyết định số 844/QĐ-TTg nhằm xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp “mở và linh hoạt” giai đoạn 2021-2026; phấn đấu đến năm 2030, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia được xếp hạng nhóm 15 hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mới nổi khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Với vị thế là một trung tâm kinh tế – công nghiệp trọng điểm của cả nước, theo tinh thần triển khai đề án 844 của Chính phủ, ngày 15/08/2016, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã ban hành Quyết định số 4181/QĐ-UBND kèm theo chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Thành phố đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn 2016-2020, trong đó bao gồm nội dung hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo cho Thành phố… Ngày 01/03/2021, Thành phố cũng đã ban hành Quyết định số 672/QĐ-UBND phê duyệt đề án “Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025”. Đề án có các mục tiêu chính: 

  1. Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thành phố phát triển ngang tầm khu vực, từng bước trở thành nền tảng vững chắc hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất chất lượng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, phát triển sản phẩm chủ lực của Thành phố, góp phần nâng cao tỷ trọng đóng góp của chỉ số Năng suất nhân tố tổng hợp TFP vào Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP – Gross Regional Domestic Product) của Thành phố đến năm 2025 đạt từ 45-50%; 
  2. Tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển các loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới; 
  3. Hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Về chiến lược phát triển đô thị sáng tạo nhằm xây dựng cấu trúc phần cứng cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thành phố, Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch triển khai đề án “Hình thành và phát triển đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông Thành phố giai đoạn 2020-2035” năm 2020-2025 theo Quyết định số 318/QĐ-UBND ngày 24/01/2022. Mục đích của kế hoạch này hướng đến xây dựng và phát triển khu vực phía Đông Thành phố (Thành phố Thủ Đức) thành đô thị sáng tạo, tương tác cao và là khu vực dẫn dắt kinh tế Thành phố và Vùng Thành phố trong các hoạt động kinh tế tri thức như đào tạo, nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao. Kế hoạch này đề ra 06 nhóm công tác thực hiện, bao gồm:

  1. Quy hoạch phát triển đô thị,
  2. Quản lý phát triển theo định hướng đô thị thông minh, sáng tạo,
  3. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng,
  4. Quản lý hành chính nhà nước, 
  5. Phát triển nguồn nhân lực, 
  6. Xây dựng hệ thống chính sách kinh tế – đầu tư. 

Trong nhóm công tác thứ sáu, có 02 nhóm chính sách phát triển và thu hút các hoạt động ngành kinh tế tại 02 khu vực trọng điểm: 

  1. Khu Công nghệ cao: phát triển các hoạt động nghiên cứu, thiết kế, thử nghiệm, sản xuất thử, sản xuất sản phẩm sáng tạo công nghệ cao
  2. Khu Đại học Quốc gia Thành phố: phát triển dịch vụ học tập và đào tạo, hợp tác quốc tế, không gian sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, vườn ươm khởi nghiệp; thu hút các học viện quốc tế liên kết đào tạo, thành lập chi nhánh, thành lập trường tại khu đô thị sáng tạo phía Đông.

Theo kế hoạch triển khai đề án “Hình thành và phát triển đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông Thành phố giai đoạn 2020-2035” của Thành phố, khu Đại học Quốc gia Thành phố có thể được xem là trung tâm về đổi mới sáng tạo, là hạt nhân sáng tạo trong khu đô thị sáng tạo phía Đông, kết hợp với khu Công nghệ cao góp phần gia tăng năng lực đổi mới sáng tạo của Thành phố, qua đó cải thiện cấp độ năng lực cạnh tranh quốc gia (theo Bảng 1) và các chỉ số liên quan. 

Tham khảo

  1. Định nghĩa về Innovation của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (Organisation for Economic Co-operation and Development—OECD) năm 2005

  2. Định nghĩa về đổi mới sáng tạo trong Luật Khoa học và công nghệ số 29/2013/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2013, sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 28/2018/QH14 ngày 15 tháng 6 năm 2018
  3. Định nghĩa về doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong Nghị định 94/2020/NĐ-CP về quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia
  4. Granstranda, O., Holgersson, M. (2020), Innovation ecosystems: A conceptual review and a new definition, Technovation 90-91, Elsevier Ltd.
  5. Metcalfe, S. & Ramlogan, R. (2008). Innovation Systems and the Competitive Process in Developing Economies. The Quarterly Review of Economics and Finance, 48(2), 433-446.
  6. Basso, A., Baltar, E., & Andonova, E. (2018). Startup Innovation Ecosystems in Southern Europe. European Commission, Brussels, JRC113872.
  7. Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO). https://www.globalinnovationindex.org/about-gii.
  8. Báo cáo tìm hiểu về chỉ số năng lực cạnh tranh (2019). Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
  9. Porter, M. E. (1990). The Competitive Advantage of Nations. Harvard Business Review, 68(2), 73-93.
  10. Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu giai đoạn 2017-2018 của Diễn đàn kinh tế thế giới.
  11. Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu giai đoạn 2017-2018 của Diễn đàn kinh tế thế giới.
  12. Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2019 của Diễn đàn kinh tế thế giới.
  13. Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2018 và 2019 của Diễn đàn kinh tế thế giới (Năm 2020 và 2021, do tác động của dịch bệnh COVID-19 nên nhiều tổ chức quốc tế không công bố báo cáo xếp hạng thường niên, trong đó có Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 của Diễn đàn kinh tế thế giới).
  14. Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022.
  15. Quyết định số 844/QĐ-TTg của Chính phủ về việc phê duyệt đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.
  16. Quyết định số 188/QĐ-TTg của Chính phủ về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Quyết định số 844/QĐ-TTg.
  17. Năm 2020 hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam được xếp hạng 59/100 hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo toàn cầu và thuộc nhóm 20-25 hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mới nổi khu vực châu Á – Thái Bình Dương theo Startup Blink (trung tâm nghiên cứu và xếp hạng các hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu).
  18. Quyết định số 4181/QĐ-UBND của UBND Thành phố Hồ Chí Minh ban hành chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Thành phố đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn 2016-2020.
  19. Quyết định số 672/QĐ-UBND của UBND Thành phố Hồ Chí Minh về việc phê duyệt đề án “Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025”
  20. Tỷ trọng đóng góp của TFP vào GRDP của Thành phố Hồ Chí Minh năm 2020 đạt 42%, tăng 10% so với năm 2015 (nguồn: Cục thống kê Thành phố Hồ Chí Minh)
  21. Quyết định 318/QĐ-UBND cua UBND Thành phố Hồ Chí Minh về ban hành kế hoạch triển khai đề án “Hình thành và phát triển đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông Thành phố giai đoạn 2020-2035” năm 2020-2025 ngày 24/01/2022.

PGS.TS Mai Thanh Phong, PGS.TS Lê Văn Thăng, TS. Phạm Tấn Thi, PGS.TS Phạm Đình Anh Khôi.
Trường Đại học Bách khoa, ĐHQG-HCM

Scroll to Top